Chủ nhật buồn

Chủ nhật buồn, ca khúc "chết người" của nước Hung
244 magnify
(Trong thời gian du học ở Pháp (1954-1955), tôi rất yêu những ca khúc của một tài hoa sớm nở chóng tàn là Nicole Louvier và có soạn lời ca tiếng Việt cho bài SI TU ME DÉLIVRERAS của nàng. Rất buồn là tôi đã quên rồi. Nhưng tôi nhớ là đã vì nàng mà tôi soạn lời cho một trong những bài nhạc tình buồn nhất của thế giới. Ðó là bài SOMBRE DIMANCHE, được phóng tác từ nhạc dân ca cổ của nước Hung Gia Lợi. Bài này có hơi nhạc rất gần gũi với hơi nhạc của Nicole Louvier. Người đời có tạo một huyền thoại về bài CHỦ NHẬT BUỒN phóng tác từ nhạc bohémien này, nói rằng đã có người tự tử khi nghe bản nhạc. Phạm Duy) Có một bài ca, xuất phát từ một xứ sở nhỏ bé nằm giữa lòng Đông Âu, đã được dịch ra hơn 100 thứ tiếng trên thế giới (trong đó có tiếng Việt), đã được hơn 50 ca sĩ thể hiện trong vòng 70 năm qua, kể cả những tên tuổi lớn như Billie Holiday, Sarah Vaughan, Ray Charles, Elvis Costello, Marianne Faithfull, Diamanda Galás, Sinéad O'Connor, Sarah McLachlan, Björk, Sarah Brightman... Ca khúc ấy, có thời từng là khúc hát cửa miệng của nhiều kẻ si tình trước giờ tự vẫn. Cho dù chung cuộc, vào năm 1999, nước Pháp đã chọn nó là bản nhạc tình buồn nhất của thế kỷ XX, nhưng khi vừa chào đời và lan truyền, bài ca đã bị cấm ở nhiều nước vì không ít kẻ đã tự kết liễu cuộc đời dưới ảnh hưởng của nó. Gần đây nhất, giai điệu bài hát đã vang lên trong bộ phim "Danh sách Schindler" (Schindler’s list), từng được 10 giải Tượng vàng Oscar của đạo diễn lừng danh Steven Spielberg, khiến không ít khán giả đứng tuổi bồi hồi nhớ lại thời thanh xuân và âm thầm với những hoài niệm không quên. Đó là ca khúc "Chủ nhật buồn" (Szomorú Vasárnap), nhạc của Seress Rezső, lời thơ của Jávor László và Seress Rezső, ra đời cách đây 73 năm, được coi là thương hiệu tầm cỡ thế giới bậc nhất của Hungary trong âm nhạc, kể từ đó tới giờ. Bài viết này xin chuyển đến độc giả một số thông tin về lịch sử và những huyền thoại xung quanh "bài ca chết người" này, cùng các tác giả của nó! * Mùa thu năm 1933. Jávor László, một chàng trai Budapest 26 tuổi, thợ khắc đá kiêm phóng viên hình sự tờ "Báo 8 giờ", khi ấy hoàn toàn vô vọng với tình yêu đặt ở nơi một thiếu nữ đã là vợ kẻ khác. Trong buổi hẹn hò bí mật cuối cùng, chàng trai tuyên bố chấm dứt hoàn toàn mối quan hệ này, đối với chàng, cô gái không còn tồn tại nữa. Jávor László xin cô gái cho phép chàng giữ một kỷ niệm về mối tình với cô: lưu khuôn mặt cô trong chiếc mặt nạ thạch cao để có thể âu yếm, cưng nựng khuôn mặt ấy ngay cả khi đã xa cô!

Bài thơ "Chủ nhật buồn" đã ra đời như thế, nếu chúng ta có thể tin được huyền thoại về nó. Và tại sao lại không tin? Cho dù, một lời lý giải khác cũng đãc được đưa ra, ít thi vị hơn nhiều: "Chủ nhật buồn" được lấy cảm hứng sau một đêm thứ Bảy lu bù, và nhà thơ của chúng ta chợt tỉnh giấc vì nhận ra anh không còn một xu dính túi! Dầu sao đi nữa thì tác phẩm cũng được "ra lò", được phổ nhạc và ngay tháng Mười một năm ấy, cả nước Hung đã chìm trong cơn sốt "Chủ nhật buồn".

Các bà các cô quý phái ngồi phủ phục bên chiếc máy hát cũ, nước mắt tuôn trào vì nỗi buồn "thiên thu" của bài hát. Cùng lúc đó, các cô sen cũng cố nghe lỏm và sụt sùì, trong khi đang dọn nhà, lau chùi hoặc nấu nướng.

Báo chí Hung đương thời đã đăng tải một số mẩu chuyện thú vị, nhưng rùng rợn, liên quan đến ca khúc "Chủ nhật buồn", như sau:

- Tại một tiệm ăn ở Budapest, một thực khách lăm lăm khẩu súng ngắn và dọa... tự tử, nếu dàn nhạc Tzigane không chơi ngay lập tức "Chủ nhật buồn". Và sau khi được nghe bài ca có sức mạnh thần bí, ông ta gục xuống bàn, nức nở kể lại nỗi buồn của mình dù chẳng ai đề nghị.

- Thậm chí, một làn sóng tự sát điên dại đã diễn ra. Mở đầu là cô Kis Eszter, trước khi uống độc dược còn cẩn thận và trau chuốt để bản nhạc "Chủ nhật buồn" lên gối. Một chàng trai nghèo tỉnh lẻ, trái tim nhạy cảm không chịu nổi nỗi u sầu trong bài ca, cũng qua đời vì nhồi máu cơ tim. Ledig László, một nhân viên ngân hàng 23 tuổi, thì dùng súng bắn thẳng vào tim khi đi trên một chiếc taxi, vào dúng một ngày Chủ nhật, vì đêm trước anh đã thức đến sáng và nghẹn ngào trước giai điệu "Chủ nhật buồn". Kể từ khi đại văn hào Đức Goethe viết tác phẩm Werther, chưa ai có thể khiến cả châu Âu hướng về mốt tự sát như thế! Không có gì đáng ngạc nhiên khi Jávor, chàng trai thất tình, bỗng nổi tiếng với bài thơ "Chủ nhật buồn", đã nói như sau với ký giả tờ "Nhật ký Pest" khi nghe phong thanh về thành công "chết người" của mình: "IdeaGiờ, người ta nghĩ đến tôi như kẻ đào mồ với chiếc xẻng trong tay". Và nhận xét ấy thật chính xác! Bởi lẽ "Chủ nhật buồn" luôn đi kèm với những khái niệm buồn đau tan nát. Nhất là, chỉ vài năm sau khi bài thơ ra đời, "Chủ nhật buồn" - kèm giai điệu của Seress Rezső - đã được dịch ra gần 30 thứ tiếng; bản nhạc và những chiếc đĩa hát "Chủ nhật buồn" tràn ngập thị trường thế giới, reo rắc không khí chết chóc khắp châu Âu, Mỹ, Phi và cả Trung Quốc...

* Thành công của thi phẩm "Chủ nhật buồn" vượt xa mọi mong đợi. Cố nhiên, ngoài sụ đau khổ của Jávor László, cần một ai khác phổ nhạc cho những vần thơ tang tóc đó: Seress Rezső, một nhạc sĩ tự học, vụng về nhưng thiên tài.

Seress Rezsõ, từ Quận VII bùn lầy nước đọng thủ đô Budapest, đã có một bài ca được các cây đại thụ trong làng nhạc quốc tế xưng tụng. Chỉ cần nhắc một vài cái tên - Louis Armstrong, Bing Crosby, Frank Sinatra, hay Ray Charles -, và sau đó, hễ một ngôi sao quốc tế nào đưa "Chủ nhật buồn" (Gloomy Sunday) vào chương trình của mình, thì họ đã cầm chắc trong tay sự thành công.

Chào đời năm 1899 trong một gia đình gốc Do Thái, tên thật là Spitzer Rudi, tác giả phần nhạc "Chủ nhật buồn" thường được gọi với cái tên "Seress bé nhỏ" vì ông chỉ cao hơn 1m50 chút đỉnh. Trong đời chỉ chơi nhạc vào buổi tối ở hai tiệm ăn nhỏ và đầy khói thuốc lá ở Budapest là Kulacs và Kispipa, hầu như thực khách không mấy khi thấy rõ Seress ngồi khuất sau chiếc dương cầm. Miệng phì phép thuốc lá, giọng khản đặc, chỉ chơi dương cầm kiểu "mổ cò" với hai ngón của bàn tay phải, lần mò tìm nốt nhạc, vậy mà theo lời kể của người đương thời, hàng ngày, từ 6 giờ tối đến rạng sáng, Seress đã tạo nên một bầu không khí bốc lửa tại nơi ông chơi nhạc. Sức hấp dẫn của ông là ở đó: cuốn sổ lưu niệm của ông, với thủ bút và ý kiến của những nhân vật lừng danh đương thời cũng xác nhận điều này.

Ngắn gọn, mà có lẽ chính xác hơn cả, là nhận xét của Otto Klemperer, nhạc trưởng lừng danh người Đức: "Không phải nhạc sĩ - chỉ là thiên tài" (Er ist kein Musiker - er ist ein Genie). Hẳn phải là như thế, vì trong 40 năm ròng rã của đời nghệ sĩ, Seress không hề biết viết, đọc bản nhạc và biết chơi dương cầm một cách "tử tế" và đây cũng là điều khiến ông thường xuyên có mặc cảm và lo lắng, nhất là khi ôntg biết có một nhạc sĩ nổi tiếng nào đó đặt chân đến cái tiệm ăn tồi tàn để nghe ông. Vậy mà, Seress vẫn liên tục cho "ra lò" những ca khúc mà đa phần đều rất được ưa chuộng! Cách sáng tác của ông cũng được biệt: vừa huýt sáo, ông vừa ngẫm nghĩ và khi được giai điệu nào "hợp lý", ông nhờ người ghi lại thành bản nhạc. Thô sơ vậy mà trong đa số các trường hợp, chỉ trong ít ngày, từ cậu bé đánh giày, chị người ở đến các bà, các cô thị dân đều hát theo điệu nhạc của Seress, một thành công chắc chắn của sự thành công! Cố nhiên, trong số đó thì "Chủ nhật buồn" là đỉnh cao! Cho dù, không ít người đương thời cho rằng Seress còn ít nhất 40 ca khúc khác, không tồi hơn, thậm chí, có thể còn hay hơn "Chủ nhật buồn"!

Cuộc đời Seress đầy những chi tiết nổi trôi, và thực ra chúng ta cũng không biết được nhiều về ông. Thời thanh niên, qua tấm hình trên tờ quảng cáo, do mê một nữ tài tử xiếc uốn dẻo trên không mà Seress bỏ nhà theo một gánh xiếc và chỉ nhờ một may mắn kỳ lạ mà chàng trai ấy đã không bỏ mạng trong một buổi tập. Về sau, Seress học kịch nghệ và biểu diễn tại một đoàn kịch ở Budapest trong vòng 9 năm. Tại đây, ông tìm thấy một chiếc dương cầm cũ nát và thử những giai điệu đầu tiên trên đó. Lũ trẻ rong chơi ngoài phố, giới quân nhân nghỉ phép và các cô cậu giúp việc là những thính giả đầu tiên của Seress: những tràng pháo tay tán thưởng các ca khúc ngẫu hứng do Seress sáng tác đã khích lệ ông chuyển hẳn sang con đường âm nhạc. Năm 1925, nhạc phẩm "Một đêm nữa" (Még egy éjszakát) khiến tên tuổi Seress được biết đến trên toàn nước Hung; 16 ngàn bản nhạc được bán ra và đây là kỷ lục thời đó ở Hungary. Năm 1935, người ta đã viết về Seress như sau: "Ở nước ngoài, nếu một nhạc sĩ chỉ sáng tác được một phần tư số ca khúc được ưa thích so với Seress, thì người ấy hẳn phải sống vương giả, có nhà lầu 6 phòng, xe hơi, và có thể lựa chọn các hợp đồng phim. Còn Seress thì chơi dương cầm ở một quán nhỏ, thù lao mỗi tối là một vài đồng và một bữa tối thanh đạm".

Cần biết là thời ấy, muốn sống thoải mái, người Hung cần độ 200 đồng hàng tháng. Ấy vậy mà Serres không buồn ra nước ngoài để nhận thù lao từ các bản nhạc và đĩa hát được bán ra của ông, cho dù, chỉ riêng tại Ngân hàng Irving Trust, người ta đã giữ cho ông khoản tiền gần 1 triệu rưởi đồng! Các hợp đồng béo bở của ngoại quốc không khiến ông động lòng, Seress cũng không buồn đến dự buổi hòa nhạc ngày lễ tại Carnegie Hall, cho dù người Mỹ rất muốn tận mắt được thấy tác giả "Chủ nhật buồn" tại đó! Lẽ ra, Seress đã có thể sống giàu có, tiếng tăm như ông hằng mơ ước - vậy mà ông đã lựa chọn những tiểu thị dân, những cô sen, những cậu bé đánh giày... hàng ngày cứ đúng 6 giờ lại vào quán nghe ông chơi đàn và hát.

Cuối Đệ nhị Thế chiến, nước Hung đứng về phe bại trận và gia sản nhiều triệu đô-la của Seress tại ngân hàng Mỹ đã bị trưng thu với lý do... nước Hung phải bồi thường thiệt hại chiến tranh cho Đồng minh! Chưa hết, dưới thời XHCN, cạnh những nhạc sĩ lừng lẫy của nước Hung nhu Liszt Ferenc, Bartók Béla..., cái tên Seress Rezső cũng bị đưa vào danh mục cấm vì chính quyền cộng sản cho rằng các sáng tác của ông mang yếu tố độc hại, hơn nữa, theo cách nói thời bấy giờ, chúng "phục vụ cho chủ nghĩa đế quốc". Năm 1956, khi mấy trăm ngàn dân Hung di tản sau cuộc cách mạng mùa thu bị Liên Xô đàn áp, Seress có thể ra nước ngoài và bạn bè ông cũng khuyên nhà nhạc sĩ như vậy. Nhưng không gì khiến ông rời nước Hung! Seress nói nửa đùa nửa thật: "Tôi không dám lên máy bay vì sợ độ cao - đứng ở vỉa hè mà tôi cũng đã cảm thấy hoảng rồi! Hơn nữa, tôi có một giấc ác mộng là sẽ bị chết trong một tai nạn máy bay!" Nói vậy, chứ sự thực là có hàng ngàn lý do khiến Seress không bao giờ muốn rời bỏ đất nước. Ông yêu vô cùng mảnh đất Budapest: trong 10 năm cuối đời, không bao giờ ông bước khỏi Quận VII nơi ông sinh sống và chơi nhạc. Một điều nữa: Seress coi mình là một thi sĩ và với ông, một anh đánh giàu, một chị nướng bánh mỳ... hay bất cứ ai đều có thể rời quê hương, chỉ thi sĩ thì không! Và Seress biết, ở Hung, những khán thính giả bình dân không bao giờ rời bỏ ông! Nhất là, tại đó, ông có Helénke, từng được coi là phụ nữ đẹp nhất Budapest, người đã bỏ chồng là một đại tá giàu có thể theo nhà nhạc sĩ nghèo vì tin rằng sẽ có ngày Seress được vinh hiển!

Sáu mươi chín tuổi, khi biết mình lâm trọng bệnh, Seress đã tìm đến cái chết vào một ngày thứ Hai buồn bã bằng cách nhảy từ cửa sổ căn hộ ông sống, tại tầng 4 một tòa nhà. Cả đời Seress bị ám ảnh bởi cái chết, bài ca do ông phổ nhạc và đặt một lời cũng là một "tình ca chết chóc", ấy vậy mà chính cái chết đã đưa ông vào bất tử, như bản "Chủ nhật buồn" trước đó 35 năm.

* "Chủ nhật buồn" được biết đến ở Việt Nam từ đầu thập niên 50, qua lời Việt của nhạc sĩ Phạm Duy. Nhạc sĩ cho biết:

"Trong thời gian du học ở Pháp, tôi rất yêu những bản nhạc tình của một nữ nhạc sĩ đang nổi tiếng tên là Nicole Louvier và có soạn lời tiếng Việt cho một số bài của cô ta. Rất buồn là tôi đã quên hết. Nhưng tôi nhớ là có vì cô mà soạn lời cho một trong những bài nhạc tình buồn nhất của thế giới. Đó là bài SOMBRE DIMANCHE, được phóng tác từ nhạc dân ca Hung-gia-lợi. Bài này có hơi nhạc rất gần gũi với hơi nhạc của Nicole Louvier. Người đời có tạo một huyền thoại về bài CHỦ NHẬT BUỒN phóng tác từ nhạc bohémien này, nói rằng đã có người tự tử khi nghe bản nhạc..." (trích "Ngàn lời ca khác")

Trong vòng hơn 50 năm qua, cho dù ca khúc này tương đối khó hát, nhiều thế hệ ca sĩ miền Nam và hải ngoại - từ Khánh Ly, Sỹ Phú, Chế Linh, Duy Quang... đến Thiên Phượng... đã trình diễn "Chủ nhật buồn" qua lời Việt Phạm Duy. Ca từ của bản tiếng Việt, mặc dù, như lời Phạm Duy, là được phỏng theo bản tiếng Pháp, nhưng lại theo sát và phản ánh tinh thần của nguyên bản một cách tài tình và đáng phục! Bản nhạc đó, nhiều người không để ý, có thể tưởng nó là "thuần Việt", vì nó được du nhập vào Việt Nam đúng lúc đất nước phân ly, lòng người tan nát và tao loạn. Như nhạc sĩ Phạm Duy nhận xét, "Chủ nhật buồn" có thể đã ảnh hưởng nhiều đến dòng nhạc tình nói về thân phận những cặp tình nhân yêu nhau trong cơn mê sảng và nhức nhối, với tâm thức có thể xa nhau (vĩnh viễn) bất cứ lúc nào, xuất hiện ở miền Nam cuối thập niên 50 thế kỷ trước. Dòng nhạc tình ấy, hẳn nhiên, không còn phản ánh thứ "tình xanh khi chưa lo sợ" của các nhạc sĩ tiền chiến như Lê Thương, Lê Yên, Hoàng Giác, Dzoãn Mẫn, Đoàn Chuẩn..., mà "đã trở thành não nề và đánh vào não tính". Phạm Duy nhìn thấy ảnh hưởng và dấu ấn khá rõ ràng của "Chủ nhật buồn" trong "Lời buồn thánh", một nhạc phẩm tân lãng mạn của Trịnh Công Sơn:

Chiều chủ nhật buồn, Nằm trong căn gác đìu hiu, Ôi tiếng hát xanh xao của một buổi chiều, Trời mưa, trời mưa không dứt, Ô hay mình vẫn cô liêu...

Hoặc giả, vẫn là Trịnh Công Sơn, trong nỗi buồn của ngày Chủ nhật mùa mưa ở "Tuổi đá buồn": Trời còn làm mưa, mưa rơi mênh mang, Từng ngón tay buồn em mang em mang, Đi về giáo đường, ngày Chủ nhật buồn...

Gần đây nhất, ở trong nước, nhóm nhạc AC&M - trong album "Những ca khúc bất tử" - cũng đã đem lại một nét mới cho bản tình ca này, và đây có lẽ cùng là lần đầu tiên sau 1975, "Chủ nhật buồn" chính thức xuất hiện ở Việt Nam. Và, kể từ khi mạng Internet toàn cầu được phổ biến, giới trẻ Việt Nam hiện nay cũng đã có dịp biết đến những huyền thoại, những mẩu chuyện xung quanh "bài ca chết người" này. Cho dù không phải tất cả những thông tin vàng thau lẫn lộn ấy trên mạng đều là xác tín, thì một bài ca ở thuở xa xưa, ra đời khi nền Tân nhạc Việt Nam còn chưa chính thức xuất hiện, cũng đã đi vào sự hiểu biết của người yêu nhạc Việt Nam một cách rộng rãi, như thế.

About Langthang

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 comments :

Post a Comment